BỘ Y TẾ-BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2014/TTLT-BYT-BCA |
Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2014 |
Contents
- 1 QUY ĐỊNH VỀ XÉT NGHIỆM NỒNG ĐỘ CỒN TRONG MÁU CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
- 1.0.0.0.1 Căn cứ Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
- 1.0.0.0.2 Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
- 1.0.0.0.3 Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
- 1.0.0.0.4 Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
- 1.0.0.0.5 Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- 1.0.1 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- 1.0.2 Điều 2. Đối tượng áp dụng
- 1.0.3 Điều 3. Những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
- 1.0.4 Điều 4. Điều kiện của cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
- 1.0.5 Điều 5. Quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
- 1.0.6 Điều 6. Thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
- 1.0.7 Điều 7. Trách nhiệm thi hành
- 1.0.8 Điều 8. Hiệu lực thi hành
- 1.0.9 Điều 9. Tổ chức thực hiện
QUY ĐỊNH VỀ XÉT NGHIỆM NỒNG ĐỘ CỒN TRONG MÁU CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định những trường hợp xét nghiệm; điều kiện, trách nhiệm của cơ sở xét nghiệm; quy trình xét nghiệm và thanh toán chi phí xét nghiệm trong việc xét nghiệm nồng độ cồn (Etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng (sau đây viết tắt là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Điều 3. Những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
1. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
2. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
3. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
4. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Điều 4. Điều kiện của cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
Cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu khi đủ các điều kiện sau đây:
1. Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu.
2. Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm.
3. Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu.
Điều 5. Quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
1. Cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu (sau đây viết tắt là cơ sở xét nghiệm) tiếp nhận người được xét nghiệm quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này, kiểm tra phiếu xét nghiệm theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này và chuyển đến cán bộ thực hiện xét nghiệm. Trường hợp người được xét nghiệm quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 3 Thông tư liên tịch này thì phải có thêm phiếu yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của cán bộ Công an theo mẫu số 02 ban hành kèm Thông tư liên tịch này.
2. Cán bộ xét nghiệm thực hiện xét nghiệm theo đúng quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
3. Cơ sở xét nghiệm cung cấp kết quả xét nghiệm theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này cho cán bộ, cơ quan Công an đã yêu cầu xét nghiệm, sau đó thông báo kết quả xét nghiệm cho người xét nghiệm theo quy định về hồ sơ bệnh án; cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật (nếu có yêu cầu) và lưu kết quả xét nghiệm theo quy định.
Điều 6. Thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu
1. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
2. Việc thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không vi phạm luật Giao thông đường bộ được quy định như sau:
a) Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này có thẻ bảo hiểm y tế thì Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
b) Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại các khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này không có thẻ bảo hiểm y tế và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch này có hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế thì cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước;
c) Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này không có thẻ bảo hiểm y tế phải thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Trách nhiệm của cơ sở xét nghiệm:
a) Thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho những trường hợp quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này theo yêu cầu của cơ quan Công an hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Cơ sở y tế không đủ điều kiện xét nghiệm phải lấy mẫu máu, bảo quản và chuyển mẫu máu theo đúng quy trình đến cơ sở xét nghiệm. Trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm đang bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, cơ sở xét nghiệm cử cán bộ đến địa điểm ghi trên phiếu yêu cầu xét nghiệm của cơ quan Công an để lấy mẫu máu, thực hiện xét nghiệm;
b) Bảo đảm xét nghiệm chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xét nghiệm;
c) Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội bảo đảm các quyền lợi của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của cơ quan Công an:
a) Yêu cầu cơ sở xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho những người quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 3 Thông tư liên tịch này theo quy định;
b) Phối hợp với cơ sở xét nghiệm trong việc lấy mẫu máu xét nghiệm của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này;
c) Trường hợp người tham gia giao thông bị tai nạn giao thông thì cơ quan Công an yêu cầu cơ sở y tế tiếp nhận nạn nhân cho xét nghiệm nồng độ cồn trong máu sớm, trong khoảng thời gian 24 giờ;
d) Bố trí kinh phí thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này trong dự toán chi ngân sách nhà nước giao hàng năm.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 19 tháng 9 năm 2014.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của ngành Y tế:
a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc ngành y tế thực hiện Thông tư liên tịch này;
b) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Y tế; thủ trưởng cơ sở y tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này;
b) Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này tại địa phương và công bố danh sách các cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu trên Công thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế (nếu có).
2. Trách nhiệm của cơ quan Công an:
a) Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội – Bộ Công an chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra hướng dẫn các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện Thông tư liên tịch này.
b) Các Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc phát sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh), Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Đại tướng Trần Đại Quang |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Nguyễn Thị Kim Tiến |
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Đ/c Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể, – Bảo hiểm xã hội Việt Nam; – Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Các Tổng cục, Vụ, Cục, Thanh tra, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Công an; – Y tế các Bộ, ngành; – Sở Y tế, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ; – Cổng TTĐT các Bộ: Y tế, Công an; – Lưu: VT 2 Bộ; V19, C67 Bộ Công an; PC, KCB – BYT. |
Ban hành kèm theo TTLT số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
XÉT NGHIỆM NỒNG ĐỘ CỒN TRONG MÁU
Họ và tên người được lấy mẫu: …………………………………………………………
Tuổi: …………………………………………… Nam: ………………….. Nữ:…………….
Tình trạng người được lấy mẫu: …………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………..
Tình trạng mẫu: …………………………………………………………………………….
Giờ, ngày lấy mẫu xét nghiệm: ……………………………………………………………
Lưu ý:
– Không sát trùng chỗ lấy máu bằng cồn;
– Dùng ống không có chất đông và có nút kín;
– Chuyển ngay mẫu đến cơ sở có điều kiện làm xét nghiệm cồn và phiếu trả kết quả phải ghi rõ giờ làm xét nghiệm, sau đó lưu mẫu ở 4oC.
Giờ ……., ngày ….. tháng ….. năm….. |
Ban hành kèm theo TT LT số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014
(1) …………………. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /YCXN |
(3) ……….., ngày ….. tháng ….. năm …….. |
XÉT NGHIỆM NỒNG ĐỘ CÒN TRONG MÁU
Kính gửi: |
(4) ……………………………………………………………….. ……………………………………………………………………. |
Họ và tên: ……………………………………………………………………………………
Cấp bậc: ……………………………………………………………………………………..
Chức vụ: ……………………………………………………………………………………..
Đơn vị công tác: …………………………………………………………………………….
Đề nghị (4) ……………………………………………………………………………………
đến lấy mẫu máu của ông (Bà)(5) ………………………………………………………….. để thực hiện việc xét nghiệm nồng độ cồn theo Thông tư số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Địa điểm lấy mẫu máu (6): …………………………………………………………………
Kết quả xét nghiệm gửi về (2) ……………………………………………………………..
NGƯỜI YÊU CẦU |
_____________________________________
(1): Là đơn vị cấp trên;
(2): Là đơn vị trực tiếp;
(3): Địa danh;
(4): Cơ quan được giao xét nghiệm nồng độ cồn;
(5): Họ và tên người được yêu cầu xét nghiệm;
(6): Địa chỉ nơi yêu cầu lấy mẫu máu để xét nghiệm;
Ban hành kèm theo TTLT số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
XÉT NGHIỆM NỒNG ĐỘ CỒN TRONG MÁU
Họ và tên người được lấy mẫu: …………………………………………………………
Bác sĩ chỉ định xét nghiệm: ………………………………………………………………
Tình trạng người được lấy mẫu: …………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………….
Người lấy mẫu: …………………………………………………………………………….
Tình trạng mẫu: ……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………….
Yêu cầu xét nghiệm |
Kết quả xét nghiệm |
Đơn vị |
Trị số bình thường |
Máy XN/PPXN |
Ghi chú |
Cồn | mmol/l |
|
Giờ ………, ngày ….. tháng ….. năm ….. |