CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 56/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2012/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 3 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 về Quỹ bảo trì đường bộ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ như sau:

1. Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm:

a) Phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô);

b) Phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là mô tô) sau khi đã trừ đi phần nộp vào ngân sách địa phương để Ủy ban nhân dân cấp xã đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình xây dựng nông thôn mới).”

2. Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô được nộp vào ngân sách địa phương để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và bổ sung vào Quỹ địa phương.

Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương trong từng thời kỳ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia nguồn phí thu được đối với mô tô giữa phần nộp vào ngân sách địa phương để cấp chi cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương. Việc xác định tỷ lệ phân chia phải cân đối giữa nhu cầu đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và yêu cầu về quản lý bảo trì hệ thống đường địa phương; phù hợp với tình hình thu chi ngân sách địa phương và đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đúng quy định, hiệu quả.”

3. Khoản 3 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ; quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí; ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe ô tô và khung mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm đối với xe mô tô.”

4. Bổ sung Khoản 4 vào Điều 12 như sau:

“4. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia nguồn phí thu được đối với mô tô giữa phần chi cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương; quy định việc quản lý, sử dụng phần phí để lại cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định pháp luật hiện hành.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2014.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương;
– Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KTN (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Nguyễn Tấn Dũng